1. Lời giới thiệu
Ngày 28/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 367/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính,đánh dấu một bước phát triển mới trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm, kết quả đã đạt được khi thực hiện Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30).
Thực tiễn đã chứng minh sự đúng đắn trong việc huy động các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính thông qua hình thức tổ chức Hội đồng Tư vấn. Trong quá trình triển khai Đề án 30, Hội đồng Tư vấn với 15 thành viên đã có những hoạt động hỗ trợ rất thiết thực, hiệu quả cho Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong công tác thống kê, rà soát thủ tục hành chính, huy động các nguồn lực và truyền thông…, góp phần quan trọng vào sự thành công của Đề án. Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của Hội đồng trong giai đoạn này.
Hiện nay, Hội đồng đã trở thành một tổ chức tư vấn của Thủ tướng Chính phủ với 26 thành viên đại diện cho một số cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đoàn thể chính trị xã hội, viện nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội đồng có trách nhiệm tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các sáng kiến cải cách quy định hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương.
Thành viên Hội đồng làm việc theo Quy chế hoạt động của Hội đồng.
Các cơ quan thành viên có trách nhiệm cử đại diện lãnh đạo chính thức tham gia các hoạt động của Hội đồng, cử cán bộ làm nhiệm vụ thư ký lập các nhóm công tác để thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công hoặc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng.
Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng, có trách nhiệm điều phối hoạt động; bảo đảm các điều kiện làm việc của Hội đồng và huy động các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan tham gia các hoạt động của Hội đồng; nghiên cứu các sáng kiến cải cách quy định hành chính do các thành viên Hội đồng đề xuất trước khi Chủ tịch hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp việc của Hội đồng, thực hiện nhiệm vụ Thư ký Hội đồng.
2. Vị trí, chức năng
Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính là một tổ chức tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các sáng kiến cải cách quy định hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn
- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch hoạt động dài hạn, hàng năm của Hội đồng.
- Tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, loại bỏ hoặc đơn giản hóa những quy định hành chính hoặc nhóm những quy định hành chính cần ưu tiên cải cách trong từng giai đoạn.
- Chủ động tổ chức nghiên cứu độc lập, đề xuất những giải pháp hoặc những sáng kiến mới nhằm loại bỏ hoặc đơn giản hoá các quy định hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các quy định hành chính.
- Tổng hợp phản ánh về khó khăn, vướng mắc khi tuân thủ các quy định hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân từ các hội viên của cơ quan thành viên Hội đồng để nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ.
- Tham gia ý kiến về quy định hành chính trong các dự án, dự thảo văn bản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng hoặc đề xuất của Ban Công tác, thành viên Hội đồng.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp để tham vấn ý kiến cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
- Tổ chức khảo sát, xây dựng Báo cáo đánh giá định kỳ hoặc đột xuất theo chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, địa phương
- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện công tác truyền thông về tình hình, kết quả và tác động của cải cách quy định hành chính đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
- Huy động các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ cho hoạt động cải cách quy định hành chính và đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
- Trong quá trình hoạt động, theo yêu cầu công việc, Hội đồng tổ chức các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm cải cách quy định hành chính, đánh giá tình hình thực hiện thủ tục hành chính ở trong nước và nước ngoài.