Câu hỏi thường gặp

13/11/2014

I. Hỏi - đáp về quy định của Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/3/2014) (23-04-2014)

I. VỀ CÔNG BỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

1.Câu hỏi 1

Tại điểm a khoản 1 Điều 7 nêu: “Căn cứ vào Quyết định công bố của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ…cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung thủ tục hành chính hoặc bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính, hoàn thành dự thảo Quyết định công bố trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định công bố”.

Với các thủ tục hành chính phải bổ sung bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là khó thực hiện, do lúc đó mới tiến hành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.

Trả lời câu hỏi 1:

Nội dung quy định về thời hạn hoàn thành dự thảo Quyết định công bố thủ tục hành chính tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư số 05/2014/TT-BTP xuất phát từ yêu cầu bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và việc tổ chức thực hiện thống nhất quy định thủ tục hành chính trên phạm vi cả nước; đặc biệt, trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành VBQPPL có nội dung về thủ tục hành chính thì văn bản đó phải được cơ quan có thẩm quyền ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ và phải bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành. Nội dung quy định nhằm khắc phục tình trạng địa phương không kịp thời tổ chức thực hiện quy định thủ tục hành chính do khi VBQPPL của cơ quan trung ương có thủ tục hành chính mà địa phương phải bổ sung bộ phận tạo thành đã có hiệu lực, lúc đó địa phương mới tiến hành xây dựng VBQPPL của địa phương và tình trạng địa phương tự quyết định ban hành VBQPPL của địa phương để quy định chi tiết các thủ tục hành chính đã được cơ quan Trung ương ban hành.

Yêu cầu công bố thủ tục hành chính là để đảm bảo công khai, minh bạch và thực hiện ngay các thủ tục hành chính quy định tại VBQPPL; đảm bảo giá trị hiệu lực của các VBQPPL được ban hành. Nội dung quy định tại Điều 7 Thông tư số 05/2014/TT-BTP đảm bảo gắn kết giữa quyết định công bố của Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh cấp tỉnh với quyết định công bố của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, đặc biệt bảo đảm tổ chức thực thi ngay các quy định về thủ tục hành chính.

Cách thức thực hiện cụ thể như sau:

- Tại thời điểm nhận được quyết định công bố của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nội dung quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành về thủ tục hành chính đã được ban hành thì các sở, ban, ngành căn cứ văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Quyết định công bố của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để bổ sung thủ tục hành chính hoặc bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính, hoàn thành dự thảo Quyết định công bố trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định công bố của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, gửi hồ sơ dự thảo Quyết định công bố đến Sở Tư pháp để kiểm soát chất lượng.

- Trường hợp tại thời điểm nhận được quyết định công bố của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nội dung quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành về thủ tục hành chính chưa được ban hành thì các sở, ban, ngành được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đồng thời dự thảo quyết định công bố thủ tục hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định công bố của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp kèm theo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát chất lượng.

2. Câu hỏi 2

Đề nghị xác định rõ đơn vị chịu trách nhiệm “thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và tổ chức niêm yết thủ tục hành chính đã công bố” và đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các công việc để “công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính” được nêu tại cuối khoản 2 Điều 7.

Trả lời câu hỏi 2:

Phạm vi hướng dẫn về công bố, niêm yết công khai thủ tục hành chính tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP chủ yếu về thẩm quyền, cách thức, quy trình công bố và thực hiện niêm yết. Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 05/2014/TT-BTP đã quy định: trách nhiệm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện niêm yết thủ tục hành chính đã công bố là trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, theo đó trách nhiệm các cơ quan chuyên môn tạo các đường dẫn (link) từ cơ sở dữ liệu quốc gia về trang tin của các Sở, ngành. Tuy nhiên, để tạo sự liên kết chặt chẽ, phù hợp, chính xác trong quá trình kết nối, các cơ quan, đơn vị nêu trên cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị hoặc bộ phận chuyên môn về công nghệ thông tin thuộc Cơ quan để đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật.

Hiện nay, nội dung cụ thể về cách thức, phạm vi, yêu cầu kết nối đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu đưa vào dự thảo Thông tư hướng dẫn cập nhật, quản lý, duy trì và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, theo hướng:

- Việc nhập dữ liệu thủ tục hành chính và đề nghị mở công khai hồ sơ thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của Tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ; Sở Tư pháp; Tổ chức pháp chế cơ quan: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Việc mở công khai thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính là trách nhiệm của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp.

3.Câu hỏi 3

Điều 7 Thông tư số 05/2014/TT-BTP có quy định 02 hình thức công bố thủ tục hành chính (ban hành Quyết định công bố có bổ sung thủ tục hành chính hoặc bổ sung bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính và ban hành Quyết định công bố dưới hình thức "Bản sao y bản chính"). Trong hai hình thức nêu trên, hình thức ban hành Quyết định công bố dưới hình thức "Bản sao y bản chính" nên làm như thế nào? hồ sơ sở, ngành trình Chủ tịch công bố dưới hình thức "Bản sao y bản chính" gồm những gì? Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thực hiện sao y Quyết định công bố của Bộ, ngành theo quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ (phụ lục III) không? Có hai trường hợp xảy ra sau đây:

- Trường hợp 1,theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV, Quyết định công bố của Bộ, ngành phải được gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh thì mới thực hiện thủ tục sao gửi nhưng Bộ, ngành chỉ gửi cho Sở, ngành ở tỉnh, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có bản chính để sao;

- Trường hợp 2, Sở, ngành copy lại toàn bộ nội dung Quyết định công bố của Bộ, ngành, nhưng thay đổi thẩm quyền ban hành, thẩm quyền ký, địa danh... và trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký Quyết định công bố thủ tục hành chính. Có phải Thông tư 05/2014/TT-BTP cần được hiểu như trường hợp thứ 2 này không?

Ngoài 2 cách hiểu như trên còn có cách hiểu nào khác không?

Trả lời câu hỏi 3:

Việc ban hành Quyết định công bố dưới hình thức “Bản sao y bản chính” được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư của cơ quan, tổ chức. “Bản sao y bản chính” phải được ghi rõ hình thức sao (sao y bản chính); tên cơ quan, tổ chức sao văn bản; số, ký hiệu bản sao; địa danh và ngày, tháng, năm sao; chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền; dấu của cơ quan, tổ chức sao văn bản; nơi nhận. Bản sao y bản chính phải được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 110/2004/NĐ-CP mới có giá trị pháp lý như bản chính. Thể thức và kỹ thuật trình bày cụ thể đối với bản sao, trong đó có hình thức “Bản sao y bản chính” được quy định cụ thể tại Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ.

Thông tư số 05/2014/TT-BTP đã quy định rõ các cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi nhận được Quyết định công bố của Trung ương có trách nhiệm thông báo cho Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp để biết và theo dõi, đồng thời làm thủ tục trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định công bố dưới hình thức “Bản sao y bản chính”.

Thông tư số 05/2014/TT-BTP không quy định và hướng dẫn hồ sơ, thủ tục trình ký ban hành quyết định công bố dưới hình thức “Bản sao y bản chính” vì hồ sơ, thủ tục này được thực hiện theo quy định về công tác văn thư tại các VBQPPL đã nêu trên. Do đó, cả hai trường hợp được nêu trong câu hỏi đều không đúng và không phù hợp với quy định hiện hành. Tuy nhiên, quy định áp dụng hình thức “Bản sao y bản chính” đối với quyết định công bố thủ tục hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có một số điểm đặc thù; do vậy, để đảm bảo thực hiện, chúng tôi xin lưu ý về hồ sơ, thủ tục trình ký ban hành quyết định công bố dưới hình thức “Bản sao y bản chính” cơ bản như sau:

a) Về hồ sơ trình ký, gồm:

- Văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký ban hành quyết định công bố dưới hình thức “Bản sao y bản chính”;

- Dự thảo “Bản sao y bản chính” của quyết định công bố và bản chính quyết định công bố kèm theo.

b) Về trình tự thực hiện

- Bước 1. Các sở, ngành chuyên môn khi nhận được quyết định công bố của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thì phải tiến hành kiểm tra, xác định về việc lựa chọn một trong hai trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Thông tư số 05/2014/TT-BTP để tham mưu, xây dựng quyết định công bố thủ tục hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Bước 2. Trường hợp lựa chọn hình thức “sao y bản chính” thì  thông báo cho Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp thuộc Sở Tư pháp;

- Bước 3. Làm thủ tục sao y bản chính và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký, ban hành.

Việc kiểm tra, đối chiếu, thông báo và làm thủ tục trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký, ban hành quyết định công bố dưới hình thức “Bản sao y bản chính” được thực hiện trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định công bố của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Quy định về việc ban hành quyết định công bố dưới hình thức “Bản sao y bản chính” có tính chất dự liệu đối với trường hợp thủ tục hành chính trong quyết định công bố của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã đảm bảo đầy đủ các bộ phận tạo thành và văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có quy định liên quan về thủ tục hành chính (trong trường hợp này, sở, ngành, chuyên môn không phải đưa thêm bất cứ thông tin liên quan gì về thủ tục hành chính). Trên thực tế trường hợp này ít xảy ra. Vì vậy, nếu phải bổ sung thêm các thông tin về địa điểm, thời gian cụ thể… để thực hiện thủ tục hành chính thì các sở, ngành chuyên môn lựa chọn hình thức xây dựng quyết định công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 05/2014/TT-BTP để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Để thống nhất thực hiện và xác định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan, đồng thời cụ thể hóa hồ sơ, trình tự theo gợi ý nêu trên, Sở Tư pháp nên tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh để ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định ban hành quy chế về công tác văn thư, lưu trữ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Câu hỏi 4.

 Yêu cầu Sở, ngành phải thông báo cho Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính trong thời gian 03 ngày làm việc sau khi nhận được quyết định công bố của Bộ là thừa và không cần thiết; nếu thông báo thì thông báo dưới hình thức nào (sở ra văn bản thông báo cho Sở Tư pháp là đã có Quyết định công bố của Bộ?) trong khi Quyết định công bố của Bộ đó đã được gửi cho Sở Tư pháp rồi.

Trả lời câu hỏi 4.  

Vấn đề nêu trên liên quan đến trách nhiệm của các sở, ngành chuyên môn trong việc kiểm tra, rà soát, đối chiếu giữa nội dung thủ tục hành chính trong quyết định công bố của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với các quy định tại các VBQPPL của chính quyền địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của sở, ngành. Vì vậy, mặc dù Sở Tư pháp cũng nhận được quyết định công bố của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ nhưng Sở Tư pháp không thể làm thay các sở, ngành chuyên môn trong việc kiểm tra, rà soát, đối chiếu nêu trên.

Việc các sở, ngành chuyên môn thông báo cho Sở Tư pháp về kết quả rà soát, kiểm tra, đối chiếu và lựa chọn hình thức “Bản sao y bản chính” quyết định công bố là cần thiết để Sở Tư pháp có thông tin phục vụ công tác quản lý, tổ chức thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính tại địa phương.

Theo quy trình hành chính văn thư, thì việc thông báo nói chung, thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 05/2014/TT-BTP nói riêng được thực hiện theo hai hình thức: (1) hình thức thông báo bằng văn bản giấy (phương thức truyền thống) và hình thức thông báo bằng văn bản điện tử (phương thức điện tử). Hình thức thông báo bằng văn bản điện tử chỉ thực hiện được khi phần mềm hệ thống giao dịch điện tử của địa phương đã hoàn thiện, bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin giao dịch giữa các sở, ngành với nhau. Trong quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ban, ngành, cơ quan về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc công bố, công khai minh bạch thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý cần xác định rõ các phương thức, hình thức thông báo; trường hợp nếu quy ước thống nhất, các cơ quan cũng có thể thông báo bằng phương tiện điện thoại…

II. VỀ NIÊM YẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

5. Câu hỏi 5.

Tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 05/2014/TT-BTP có quy định “....tổ chức ngay việc niêm yết thủ tục hành chính đã công bố”. Quy định này khó thực hiện đối với trường hợp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, vì cơ quan chuyên môn phải mất một khoảng thời gian nhất định để triển khai đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cho nên việc tổ chức ngay việc niêm yết thủ tục hành chính đã công bố theo quy định tại Thông tư này thì địa phương cũng gặp khó khăn.

Trả lời câu hỏi 5.

Một trong các yêu cầu của việc niêm yết công khai thủ tục hành chính là phải tổ chức thực hiện niêm yết công khai kịp thời, đảm bảo thủ tục hành chính được niêm yết đúng ngày Quyết định công bố có hiệu lực thi hành (quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 05/2014/TT-BTP).

Trách nhiệm thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính được quy định tại Điều 8 Thông tư số 05/2014/TT-BTP, trong đó khoản 2 có quy định đối với cả trường hợp của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nếu thủ tục hành chính được công bố thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các cơ quan này.

Việc niêm yết công khai thủ tục hành chính được thực hiện trên cơ sở quyết định công bố của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do đó, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làtổ chức ngay việc niêm yết thủ tục hành chính đã công bố phụ thuộc chủ yếu vào mức độ khẩn trương và tính kịp thời của việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính phải niêm yết công khai thủ tục hành chính theo quyết định công bố của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

III. VỀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ CÁC PHỤ LỤC

6. Câu hỏi 6.

Mẫu 7g không được nhắc đến trong quy định tại Điều 14 Thông tư số 05/2014/TT-BTP. Vậy cấp tỉnh có tổng hợp theo mẫu này không hay để cấp huyện gửi thẳng ra Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp?

Trả lời câu hỏi 6:

Mẫu số 7g gắn với các biểu mẫu số 07a, 07b, 07c, 07d, 07đ, 07e và tại phần giải thích, hướng dẫn cách điền cột số 11 thuộc các biểu mẫu số 07a, 07b, 07c, 07d, 07đ, 07e đã quy định rõ mối liên hệ này. Do đó, tất cả các cấp khi báo cáo theo biểu mẫu số 07a, 07b, 07c, 07d, 07đ, hoặc 07e đều có trách nhiệm ghi rõ nguyên nhân quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính (nếu có). Theo đó, Sở Tư pháp khi giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp báo cáo của các cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và báo cáo của Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp theo biểu mẫu số 7đ cũng đồng thời chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin liên quan theo yêu cầu tại mẫu số 7g (nếu có trường hợp quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính).

7. Câu hỏi 7

Vấn đề gửi báo cáo theo biểu mẫu 6a/BTP/KSTT/KTTH và 07a/BTP/KSTT/KTTH cho Ủy ban nhân dân cấp huyện hay gửi cho Sở Tư pháp để tổng hợp.

Trả lời câu hỏi 7

Điểm a Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 05/2014/TT-BTP đã quy định về trách nhiệm thực hiện báo cáo cơ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã, trách nhiệm tổng hợp báo cáo của Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cơ sở nội dung báo cáo tại các biểu mẫu số 06a/BTP/KSTT/KTTH, 07a/BTP/KSTT/KTTH do các đơn vị báo cáo cơ sở gửi về, trong đó có các Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn.

Do tính đa dạng về chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện báo cáo nên biểu mẫu báo cáo tại Phụ lục III kèm theo Thông tư số 05/2014/TT-BTP có tính đại diện, định khung để áp dụng; trên cơ sở đó cơ quan, đơn vị sử dụng biểu mẫu tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh về tên cơ quan báo cáo, cơ quan nhận báo cáo, kỳ báo cáo, ngày báo cáo… cho phù hợp với yêu cầu cụ thể.

Ở phần ghi mẫu về đơn vị báo cáo tại biểu mẫu số 06a/BTP/KSTT/KTTH, 07b/BTP/KSTT/KTTH đều đã sử dụng dấu ba chấm để tỏ ý chưa liệt kê hết các chủ thể có trách nhiệm báo cáo; cơ quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện và cơ quan trực tiếp thực hiện sẽ áp dụng cho phù hợp với trách nhiệm cụ thể của mình. Tương tự, phần ghi mẫu về đơn vị nhận báo cáo tại các biểu mẫu nêu trên cũng như vậy. Tuy nhiên, do lỗi đánh máy nên chưa sử dụng dấu ba chấm tại phần ghi mẫu này.

Đề nghị địa phương căn cứ trên cơ sở quy định nội dung tại Điểm a Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 05/2014/TT-BTP để tổ chức thực hiện, phù hợp với quy định về trách nhiệm gửi – nhận và tổng hợp báo cáo.

II. Câu hỏi liên quan đến nghiệp vụ rà soát tthc (26-06-2012)

1. Phạm vi kiểm soát thủ tục hành chính

- Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP có loại trừ thủ tục hành chính trong nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau không liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức

- Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 chỉ đạo “Cải cách thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, các cấp và trong nội bộ từng cơ quan hành chính nhà nước”

Với quy định như trên, các thủ tục liên quan đến giải quyết công vụ có thuộc phạm vi rà soát hay không? Cần phải căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định 63/2010/NĐ-CP, Nghị quyết 30c/NQ-CP không phải là văn bản quy phạm pháp luật?

Trả lời:

- Các thủ tục liên quan đến giải quyết công vụ thuộc phạm vi rà soát

- Không nên máy móc phải thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật. Kinh nghiệm cho thấy, khi triển khai Đề án 30 chưa có Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, tuy nhiên, kết quả đạt được đã tạo bước chuyển đáng kể trong cải cách thủ tục hành chính.

2. Biểu mẫu đánh giá theo Công văn 7416 còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó, khi rà soát áp dụng Biểu mẫu theo Nghị định 63/2010/NĐ-CP. Như vậy có tạo quá nhiều Biểu mẫu dành cho cơ quan thực hiện thủ tục hành chính?

Trả lời:

- Công văn 7416 ban hành tạm thời để hướng dẫn cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo đánh giá tác động khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm ngăn chặn những quy định, thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp ngay từ khâu dự thảo. Biểu mẫu theo Công văn 7416 là lát cắt dọc để xem xét các quy định về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, từ khi triển khai đến nay, Cục KSTT cũng nhận thấy thực hiện theo Biểu mẫu này sẽ để lọt một số quy định về mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, yêu cầu, điều kiện. Do đó, Cục KSTT sẽ nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đã được giao xây dựng Thông tư hướng dẫn đánh giá tác động và tính toán chi phí tuân thủ.

- Về rà soát thủ tục hành chính: đề nghị áp dụng Biểu mẫu theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP – lát cắt ngang để rà soát.

3. Sau tập huấn các Bộ, địa phương phải làm gì? Vai trò của Bộ, địa phương? Vai trò của đơn vị chủ trì? Vai trò của đơn vị phối hợp?

Trả lời

a. Quyết định 263/QĐ-TTg đã giao các Bộ, địa phương phải cắt giảm 30% trên nhóm TTHC

b. Phòng KSTT của Bộ, địa phương:

- Rà soát lại Quyết định 263/QĐ-TTg về kế hoạch rà soát trọng tâm 2012

- Tổ chức họp với các Cục, vụ/Sở, ngành và các đơn vị chuyên môn để xác định và phân loại các nhóm TTHC liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực; các nhóm TTHC chỉ thuộc phạm vi một ngành, lĩnh vực; và xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của các bên liên quan. Trong cuộc họp cần thảo luận và thống nhất các nội dung sau:

+ Đối với các nhóm TTHC có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực: đơn vị chủ trì và các đơn vị phối hợp; nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp; mốc thời gian đơn vị phối hợp phải nộp kết quả rà soát theo Biểu mẫu đơn lẻ cho đơn vị chủ trì; và mốc thời gian đơn vị chủ trì phải nộp kết quả báo cáo cho Phòng KSTT của Bộ/địa phương.

+ Đối với các nhóm TTHC chỉ liên quan đến một ngành, lĩnh vực: nhiệm vụ và trách nhiệm của các Cục, vụ/Sở, ngành liên quan; mốc thời gian các đơn vị này phải nộp kết quả rà soát theo Biểu mẫu đơn lẻ cho Phòng KSTT của Bộ/địa phương.

- Nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Bộ, địa phương để ban hành văn bản phân công nhiệm vụ cho các đơn vị. Trong văn bản phân công, cần nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các bên liên quan và các mốc thời gian các bên liên quan phải nộp kết quả báo cáo rà soát.

- Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chuyên môn thực hiện rà soát theo kế hoạch phân công đã được lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ/Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

- Phối hợp với các Phòng KSTT của các Bộ/sở, ngành liên quan để chủ động rà soát độc lập và thẩm tra phương án đơn giản hóa của các đơn vị chuyên môn báo cáo trước khi trình lãnh đạo.

- Tham gia đầy đủ các cuộc họp do các Phòng KSTT của các Bộ/Sở, ngành liên quan tổ chức, khi có yêu cầu.

- Giúp lãnh đạo Văn phòng Bộ/Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét kết quả và đề xuất trình lãnh đạo Bộ yêu cầu Cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ/Sở, ngành và đơn vị chuyên môn bổ sung phương án đơn giản hóa để đảm bảo cắt giảm đủ chỉ tiêu 30% đã được Thủ tướng giao hoặc tiếp tục hoàn thiện phương án đơn giản hóa chưa đáp ứng yêu cầu.

c. Cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ/Sở, ngành và đơn vị chuyên môn:

- Chủ động rà soát Quyết định 263/QĐ-TTg về kế hoạch rà soát trọng tâm 2012 để xác định các thủ tục hành chính thuộc phạm vi theo dõi của đơn vị mình.

- Phối hợp với Phòng KSTT của Bộ/Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng văn bản phân công nhiệm vụ cho các đơn vị để trình lãnh đạo Bộ, địa phương phê duyệt.

- Căn cứ văn bản phân công nhiệm vụ đã được lãnh đạo Bộ, địa phương phê duyệt, Cục, vụ/Sở, ngành và đơn vị chuyên môn triển khai thực hiện rà soát trọng tâm.

- Đối với các nhóm TTHC có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực:

+ Đơn vị chủ trì: tổ chức họp với các đơn vị phối hợp cùng tập hợp các Biểu mẫu thống kê, rà soát, đối chiếu với các VB QPPL có quy định về các TTHC liên quan để sâu chuỗi các TTHC trong nhóm; rà soát TTHC thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình theo Biểu mẫu; đôn đốc các đơn vị phối hợp nộp kết quả rà soát theo Biểu mẫu đơn lẻ theo kế hoạch phân công đã được lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương phê duyệt phê duyệt; tổng hợp, kiến nghị PA ĐGH sơ bộ; tổ chức họp với các đơn vị phối hợp và họp tham vấn với các bên liên quan để hoàn thiện PA ĐGH theo nhóm TTHC; gửi báo cáo kết quả rà soát cho Phòng KSTT Bộ, địa phương theo kế hoạch phân công đã được lãnh đạo Bộ, địa phương phê duyệt. Lưu ý: đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chính về việc sâu chuỗi các TTHC trong nhóm và PA ĐGH đối với nhóm TTHC mà mình chủ trì rà soát. Phòng KSTT chỉ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc đơn vị chủ trì thực hiện; và phối hợp với các Phòng KSTT của các Bộ/Sở, ngành liên quan để chủ động rà soát độc lập và thẩm tra PA ĐGH do các đơn vị chủ trì báo cáo trước khi trình lãnh đạo.

+ Đơn vị phối hợp: tham gia các cuộc họp do đơn vị chủ trì tổ chức; rà soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình theo Biểu mẫu và nộp kết quả rà soát cho đơn vị chủ trì theo đúng văn bản phân công đã được lãnh đạo Bộ, địa phương phê duyệt.

- Đối với các nhóm TTHC chỉ liên quan đến một ngành, lĩnh vực: Cục, vụ/Sở, ngành chịu trách nhiệm rà soát TTHC theo Biểu mẫu và nộp kết quả rà soát cho Phòng KSTT theo đúng văn bản phân công đã được lãnh đạo Bộ, địa phương phê duyệt.

- Trường hợp Cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ/Sở, ngành, đơn vị chuyên môn vừa tham gia rà soát các nhóm TTHC liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực với vai trò chủ trì, vừa tham gia rà soát các nhóm TTHC liên quan đến một ngành, lĩnh vực, báo cáo rà soát gửi Phòng KSTT của Bộ, địa phương sẽ là tổng hợp kết quả rà soát của các nhóm TTHC liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và các nhóm TTHC liên quan đến một ngành, lĩnh vực.